ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ ĐỐI VỚI TRẺ ĐỘ TUỔI MẦM NON
Với trẻ em ở độ tuổi mầm non, đọc sách có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ, cảm xúc, kỹ năng xã hội của trẻ. Đọc sách giúp trẻ làm quen với nhiều âm thanh khác nhau của ngôn ngữ.
1. Lợi ích của việc đọc sách đối với trẻ độ tuổi mầm non
• Trẻ học thêm rất nhiều từ vựng, ngữ pháp.
• Trẻ làm quen với chữ cái. Đây là tiền đề xây dựng kỹ năng đọc viết sớm cho trẻ.
• Trẻ có niềm vui thích và yêu đọc sách.
• Trẻ tập trung, nghe hiểu tốt hơn.
• Giúp kích thích trí tưởng tượng của trẻ.
• Giúp phát triển các kỹ năng xã hội và kỹ năng quản lý cảm xúc của trẻ: Trẻ xây dựng được mối quan hệ gắn kết với người chăm sóc trẻ.

2. Đọc sách “cùng trẻ” thay vì đọc sách “cho trẻ”
Tạo thói quen giúp trẻ yêu thích việc đọc sách. Đầu tiên, hãy nhìn vào cuốn sách, đọc to tên câu chuyện, tên tác giả, cùng trẻ nhìn vào các hình ảnh minh họa. Lúc này, bạn có thể đặt một vài câu hỏi để kích thích trí tò mò, khơi gợi ý tưởng và khuyến khích trẻ sử dụng ngôn ngữ để trả lời như: Con nghĩ trong câu chuyện này có những ai; Câu chuyện này nói về điều gì; Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra với những nhân vật này.
Sau khi giúp trẻ bắt đầu hình dung về câu chuyện, hãy “mời” trẻ cùng tham gia bằng cách lật mở từng trang sách. Biến câu chuyện trở nên hấp dẫn và thú vị bằng cách:
• Thay đổi tốc độ đọc, thay đổi ngữ điệu, âm lượng của giọng nói. Với mỗi nhân vật khác nhau, bạn hoàn toàn có thể thay đổi giọng nói và biểu cảm để biến việc “nghe” trở thành việc “trải nghiệm”, “cảm nhận” câu chuyện của trẻ.
• Khuyến khích trẻ tham gia câu chuyện bằng cách hướng dẫn con chỉ vào các hình ảnh hoặc từ vựng có trong sách.
• Chờ đợi và để trẻ lật các trang sách. Trước khi trẻ lật sang trang mới, bạn có thể hỏi “con nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”… để kích thích trí tưởng tượng của trẻ.
• Cùng trẻ đọc các từ hoặc cụm từ thú vị, lặp đi lặp lại trong câu chuyện. Bạn có thể hành động hóa những từ vựng đó và cùng con thực hiện. Ví dụ: bạn đọc “mưa rơi” đồng thời vỗ tay và nói từ “lộp độp”.

Gợi ý các hoạt động liên quan đến đọc sách
• Bạn có thể cùng con thảo luận và tạo ra những câu chuyện dựa trên câu chuyện có sẵn. Hãy vẽ những sơ đồ tìm kiếm kho báu hoặc những con đường để giải cứu các nhân vật trong câu chuyện,…
• Hướng dẫn con lựa chọn chủ đề câu chuyện và cùng con thảo luận, viết, vẽ để xây dựng nên câu chuyện dành riêng cho con.
• Nếu con chưa biết đọc, hãy khuyến khích trẻ quan sát các bức tranh và tự kể câu chuyện theo ý tưởng của con.
• Đóng vai các nhân vật có trong câu chuyện là một ý tưởng tốt giúp trẻ thực sự trải nghiệm câu chuyện, đồng thời tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa trẻ và bạn.
Để đọc sách với con hiệu quả, bạn nên:
• Tạo thói quen đọc sách và cố gắng duy trì nó mỗi ngày.
• Tạo không gian thoải mái để trẻ và bạn cùng đọc sách.
• Ôm trẻ, ngồi đối diện hoặc đặt con lên đùi để trẻ có thể vừa nhìn thấy sách vừa nhìn thấy những biểu cảm thú vị trên khuôn mặt bạn.
• Nương theo hứng thú và mối quan tâm của con. Đừng lo lắng và cố ép trẻ đọc hết một cuốn sách khi con đã có biểu hiện chán (ví dụ: quay đi chỗ khác, đứng lên,…)
• Cung cấp các lựa chọn và để con tự tìm cuốn sách mà con muốn đọc. Trẻ có thể thích đọc đi đọc lại một cuốn sách hoặc một trang sách nào đó.
Nguồn: Vinmec.com
————————————
Website: thaptainang.edu.vn
Email: club.thaptainang@gmail.com
Hotline: 0979881616
Add: 18 Tam Trinh – Hoàng Mai – Hà Nội