Phát triển văn hóa đọc thông qua đổi mới

Phát triển văn hóa đọc thông qua đổi mới tổ chức hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học

Thực hiện các hướng dẫn tại Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 18/10/2014 Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, Công văn số 4509/BGDĐ-GDTrH ngày 03/9/2015 Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục Trung học năm học 2015-2016 và Công văn số 6841/BGDĐT-GDTX của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đổi mới thư viện và phát triển văn hoá đọc trong nhà trường, có thể triển khai một số biện pháp phát triển văn hóa đọc thông qua đổi mới hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học sau:

1. Thông qua đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học

1) Xây dựng kế hoạch hướng dẫn học sinh phương pháp đọc sách nhằm phát riển chuyên môn cũng như đọc sách, báo nói chung (kĩ thuật đọc hiệu quả, cách duy trì hứng thú đọc, cách sử dụng kết quả đọc, cách lập thư mục tài liệu tham khảo,…). Dạy cách đọc sách là một cách thức dạy học sinh tự học, tự phát huy tiềm năng, tự phát triển toàn diện theo sở thích, nhu cầu của mỗi cá nhân; vì vậy cần phải mở các lớp giáo dục kĩ năng, phương pháp đọc, phương pháp thu thập và xử lí thông tin cho học sinh.

2) Theo tinh thần “chuyển giao nhiệm vụ học tập cho mỗi học sinh”, thực hiện đổi mới yêu cầu chuẩn bị bài học của học sinh thông qua phiếu giao nhiệm vụ học tập để học sinh chủ động khai thác thông tin từ việc đọc sách giáo khoa và các loại sách báo tham khảo, bổ sung hoặc thay thế việc đơn thuần chỉ yêu cầu trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà theo hướng tăng cường khai thác kiến thức, dữ liệu/ngữ liệu từ các nguồn sách báo, tài liệu phù hợp với chương trình môn học, lớp học và cấp học.

3) Trên cơ sở rà soát và đối chiếu với nội dung chương trình các bộ môn và hoạt động giáo dục, hướng dẫn học sinh cách khai thác nguồn tài nguyên của thư viện; từ đó hướng dẫn học sinh kết nối và bổ sung giữa nguồn tài nguyên trong thư viện với nội dung chương trình môn học, thúc đẩy ý thức tự giác đọc sách, hình thành thói quen đọc sách để giải quyết nhiệm vụ học tập. Muốn thực hiện biện pháp này, học sinh cần được biết các nội dung sách báo có thể khai thác tại thư viện của trường và của lớp, các nội dung cần tìm kiếm ở thư viện khác hoặc trên internet.

4) Linh hoạt trong việc lựa chọn xây dựng nội dung chủ đề/bài học để tổ chức một số giờ học, bài học/hoạt động giáo dục, sự kiện, giao lưu, các cuộc thi, các buổi tọa đàm (có thể theo định kì hằng tháng hoặc theo chủ đề như: vẻ đẹp của văn học kháng chiến; tìm hiểu sự đa dạng sinh học; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai; hành trang khởi nghiệp,…) tại thư viện trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên của thư viện và các hiệu ứng kết hợp của các hình thức thể hiện.

5) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học; tăng cường tổ chức mô hình trường học kết nối, dạy học theo dự án, dạy học theo chủ đề, tích hợp liên môn,… nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học, khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; thực hiện dạy học thông qua di sản theo

6) Để đáp ứng “nhu cầu phát triển và phát huy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân”, đẩy mạnh việc hình thành và tổ chức hiệu quả các loại hình sinh hoạt câu lạc bộ “Em yêu khoa học” và xây dựng cũng như sử dụng hiệu quả các tủ sách chuyên đề như tủ sách “STEM”, “Lịch sử và văn hóa”, “Vật lí vui”, “Thường thức pháp luật”, “Toán học và tuổi trẻ”, “Văn học và tuổi trẻ”,… thu hút học sinh tham gia thuyết trình, báo cáo, chia sẻ kết quả nghiên cứu.

2. Thông qua đổi mới hoạt động kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học

1) Khuyến khích học sinh đọc sách thông qua việc kết hợp một cách hợp lí giữa kiểm tra lí thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra; tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Muốn thực hiện yêu cầu này, tránh ra các câu hỏi hướng vào đánh giá sự ghi nhớ máy móc; mà cần ra các câu hỏi hướng người học vào suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo.

2) Thúc đẩy hoạt động đọc của học sinh thông qua đổi mới cách thức kiểm tra đánh giá: khuyến khích học sinh đọc sách báo mở rộng để cập nhật thông tin trong hồ sơ học tập, vở học tập; qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip…).

————————————

Website: thaptainang.edu.vn

Email: club.thaptainang@gmail.com

Hotline: 0979881616

Add: 18 Tam Trinh – Hoàng Mai – Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.